Kiểm tra bữa ăn giữa ca nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho công nhân lao động nữ. Ảnh: Phạm Tuyết
Những kết quả khả quan
Qua kiểm tra, khảo sát cho thấy: số LĐN chiếm tỷ lệ 84% so với tổng số CNLĐ. Số LĐN được ký hợp đồng lao động đạt 99,19%, trong đó, hợp đồng lao động không xác định thời hạn 57,86%. Mức lương bình quân hằng tháng của LĐN hiện nay là 3,5 triệu đồng, mức lương thấp nhất là 2,7 triệu đồng, mức lương cao nhất là 11,895 triệu đồng và được trả đầy đủ theo tháng.
Việc tuyển dụng lao động là bình đẳng, theo năng lực, phù hợp vị trí việc làm, không hạn chế và ràng buộc điều kiện đối với LĐN khi tuyển dụng. Đa số DN được kiểm tra thực hiện tốt Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động; đã xây dựng hệ thống thang bảng lương, quy chế nâng bậc lương. Các mức lương trong bảng lương đảm bảo mức lương bậc 1 bằng mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định; thực hiện thanh toán tiền lương cho CNLĐ đúng, đủ theo hợp đồng lao động.
Một số DN ngoài việc thực hiện các chế độ do Nhà nước quy định còn có nhiều hình thức khác để tăng thu nhập cho người lao động như: có các khoản trợ cấp xăng, thuê nhà trọ, vệ sinh môi trường, chuyên cần; thưởng do tăng năng suất lao động, thưởng cho sáng kiến kinh nghiệm, lương tháng 13, hỗ trợ những dịp lễ, tết, bữa ăn giữa ca, tặng học bổng cho con CNLĐ khó khăn, tổ chức tham quan du lịch cho công nhân... Thu nhập, đời sống của người lao động trong các DN ngày càng được cải thiện.
Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động và LĐN đã có nhiều chuyển biến, số LĐN được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đạt 98,19%. Các chế độ như: ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, tai nạn lao động, được các DN thực hiện thanh toán kịp thời. Những vấn đề còn vướng mắc, hạn chế đã từng bước được khắc phục, quyền lợi của LĐN ngày càng được đảm bảo. Các đơn vị có đào tạo để nâng cao tay nghề, việc bố trí công việc cho LĐN khá phù hợp. Không bố trí làm những công việc nặng nhọc, độc hại đối với LĐN mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Đa số đơn vị đều có xây dựng nội quy lao động và thông báo cho CNLĐ biết, thực hiện. Công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động được DN quan tâm thực hiện như: xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đo kiểm tra môi trường lao động, tập huấn kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám chuyên khoa phụ sản cho LĐN.
Một số thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn cho CNLĐ như: hỗ trợ nhà trọ, tiền vệ sinh môi trường, phụ cấp nuôi con nhỏ, tổ chức cho CNLĐ đi tham quan, du lịch… Nhân dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, DN đều có quà cho LĐN, hỗ trợ ban nữ công công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho LĐN.
Vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm
Tuy nhiên, đối với một số công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, ban nữ công chưa phát huy được vai trò, chức năng của mình. Việc theo dõi, thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình hình LĐN chưa được sâu sát, từ đó việc đề xuất thực hiện các chế độ, chính sách đối với LĐN còn hạn chế. Vẫn còn DN chưa nhận thức tốt về trách nhiệm xã hội của mình, chưa quan tâm chăm lo đến đời sống của CNLĐ, nhất là LĐN; chưa thực hiện tốt các quy định của luật lao động, luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chưa hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho LĐN có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho LĐN còn gặp rất nhiều khó khăn do cường độ làm việc cao hoặc thường xuyên tăng ca. Thu nhập của LĐN tuy đã được cải thiện nhưng chưa đủ trang trải các sinh hoạt thiết yếu và nhu cầu sống tối thiểu. Cuộc sống xa nhà, ở trọ trong các căn phòng diện tích chật hẹp, không đảm bảo về vệ sinh, môi trường; tình trạng mất cân bằng giới tính... tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân làm cho LĐN đang phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại và lâu dài.
Để việc thực hiện chế độ, chính sách cho LĐN được đảm bảo, LĐLĐ tỉnh có những đề xuất, kiến nghị địa phương, các ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu tại DN các khu công nghiệp, quy định hướng dẫn nội dung chi, mua sắm trang bị phương tiện phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của CNLĐ nói chung, trong đó có lực lượng nữ.
Cấp ủy, chính quyền, chủ DN tiếp tục quan tâm đến đời sống việc làm của LĐN bằng những công việc thiết thực, cụ thể; kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, việc chậm hoặc chưa thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với LĐN tại cơ sở theo quy định của Nhà nước và pháp luật lao động. Công đoàn cấp trên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ban nữ công các cấp đủ năng lực và tạo điều kiện để làm tốt chức năng tham mưu cho ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn xây dựng các nội dung, chương trình, kế hoạch, tổ chức hoạt động về công tác nữ công.
Đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm giải quyết đến vấn đề xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở… tại các khu công nghiệp, nơi có đông LĐN. Các cơ quan nhà nước quản lý về lao động, DN tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra lao động hướng dẫn người sử dụng lao động thực thi đầy đủ các chế độ, chính sách đối với CNLĐ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Vận động các đơn vị có đông LĐN xây dựng các phòng vắt, trữ sữa cho nữ CNLĐ đang nuôi con nhỏ và tạo điều kiện về thời gian cho các bà mẹ có con nhỏ vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Đây cũng là nội dung mà Nhà nước khuyến khích các DN sử dụng LĐN thực hiện theo Điều 7, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguyễn Ngọc Nữ