90 chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu chụp ảnh với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh : VP LĐLĐ tỉnh)
- Khi nhận thông tin được chọn tham dự Hội nghị tuyên dương 90 chủ tịch CĐCS tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV năm 2019, bản thân rất xúc động và biết ơn những ân tình cùng sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo CĐ đối với những người làm công tác CĐ kiêm nhiệm như tôi. Đây cũng là nguồn động lực để tôi tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà các cấp lãnh đạo CĐ giao, cũng như không phụ lòng tất cả đoàn viên CĐ trong đơn vị đã tin tưởng bầu chọn tôi làm người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức của đơn vị.
* Đâu là dấu ấn lưu lại trong chị tại hội nghị?
- Chị Phan Mộng Hương: Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được trực tiếp gặp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Dù với thời gian ngắn (chỉ 45 phút), nhưng qua đó tôi học hỏi được từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đức tính khiêm tốn và tạo cho tôi cảm giác rất gần gũi, thân thương. Những lời trao đổi, dặn dò của đồng chí làm cho tôi ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của từng cá nhân, để tiếp tục cố gắng phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, tại lễ trao giải và tuyên dương, tôi cảm nhận được sự quan tâm, chuẩn bị chu đáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đặc biệt, những phóng sự về hoạt động CĐ tại các cơ sở, tạo sự học hỏi lẫn nhau các phương thức hoạt động CĐ một cách thiết thực, hiệu quả nhất, tạo hiệu ứng lan tỏa khắp cả nước. Qua đó, tôi nhận thấy đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, cũng vừa là trách nhiệm to lớn của mỗi cá nhân sau hội nghị này.
* Theo chị, người cán bộ CĐ làm gì để góp phần khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của tổ chức CĐ?
- Trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, người cán bộ CĐ không những cần có tâm, có tầm, có vị trí mà còn phải linh động, sáng tạo trong hoạt động CĐ, để mang lại hiệu quả cao nhất trong thực thi nhiệm vụ thì mới khẳng định được vai trò và vị trí của tổ chức CĐ.
Bởi vì có “tâm”, chúng ta mới đồng cảm với những khó khăn, vướng mắc mà CĐ viên đang cần được sẻ chia, động viên, khuyến khích kịp thời. Có như thế, tổ chức CĐ mới trở thành chỗ dựa cho các CĐ viên.
Có “tầm” vì với ngành nghề của chúng tôi là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, là một công việc đặc biệt, nhưng trong giai đoạn hiện nay lại là một nghề dễ tổn thương nhất, chỉ cần một sự cố xảy ra dù rằng chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Do đó, đòi hỏi người cán bộ CĐ phải luôn học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ CĐ và am hiểu pháp luật thì mới bảo vệ được CĐ viên khi hữu sự.
Có “vị trí” thì chúng ta mới tham gia, can thiệp được nhiều việc khi cần để bảo vệ và chăm lo cho CĐ viên. Ngoài ra, chúng tôi cần sự linh động, sáng tạo vì công việc của chúng tôi quá nhiều, không còn thời gian đầu tư cho những hoạt động phong trào mang tính truyền thống. Vì vậy mà tùy điều kiện, hoàn cảnh, chúng tôi có những đổi mới trong phương thức hoạt động sao cho thiết thực nhất, ý nghĩa nhất mà tất cả CĐ viên có thể tham gia, nhằm mang lại niềm vui, sự gắn kết, xả stress sau những ngày làm việc cật lực…
* Chị sẽ triển khai những hoạt động gì tại CĐCS Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu?
- Sắp tới, tôi dự định lên kế hoạch tập huấn “Kiến thức pháp luật”, mời chuyên gia nói chuyện về pháp luật và những vấn đề liên quan trong thực thi nhiệm vụ, nhằm trang bị một số kiến thức cần thiết cho nhân viên y tế. Vì đây là một vấn đề khá lạ lẫm đối với chúng tôi, mà từ trước tới nay chưa được quan tâm trong ngành y tế.
* Xin cảm ơn chị!