Từ quan tâm công tác tuyên truyền…
Bà Phan Trần Mai Trinh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Châu Thành cho biết: Năm qua, LĐLĐ huyện đã tổ chức nhiều phong trào thi đua được đông đảo viên chức, CNLĐ tích cực tham gia, tạo khí thế sôi nổi chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của tỉnh nhà. Có thể nói, thành tựu nổi bật nhất thuộc về công tác tuyên truyền. Nhờ đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng đi vào chiều sâu. Những chính sách, pháp luật có liên quan đến CNLĐ khu vực ngoài quốc doanh ngày càng được phổ biến sâu rộng, tạo thêm lòng tin cho anh em công nhân.
Chị Mai Tú Quyên làm việc tại Công ty TNHH May mặc Cây Dừa (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) tâm đắc: “Nhờ xem những tiểu phẩm, những buổi tuyên truyền về an toàn giao thông mà ý thức chấp hành của anh em công nhân được nâng lên đáng kể. Công nhân các khu nhà trọ ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản của bản thân và người khác. Những chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân cũng được anh em hiểu nhiều hơn, nhờ thế mà năm qua tại công ty không xảy ra tình trạng đình công, lãn công”.
Tiểu phẩm tham gia hội thi tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2016.
Trong năm qua, LĐLĐ phối hợp với Công an huyện mở 4 đợt tuyên truyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ; vận động viên chức, CNLĐ chấp hành nghiêm về an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội; phối hợp với Công an tỉnh, LĐLĐ tỉnh mở 2 lớp tuyên truyền về Luật Thực hành tiết kiệm, Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Phối hợp với Công an huyện và chính quyền địa phương củng cố, duy trì sinh hoạt lệ kỳ 65 tổ công nhân tự quản tại các nhà trọ Khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long. Tổ chức tuyên truyền về chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Tuyên truyền, vận động viên chức, CNLĐ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất… “Đến nay không còn trường hợp viên chức, CNLĐ không có dụng cụ trữ nước ngọt, nước mưa” - bà Mai Trinh khẳng định.
Theo bà Mai Trinh, có được điều này là nhờ chú trọng công tác phối hợp. Một khi làm tốt công tác này thì hiệu quả công tác tuyên truyền có sức lan tỏa mạnh trong CNLĐ, nhất là công nhân các công ty ngoài quốc doanh. Tuyên truyền không chỉ giúp họ hiểu về những chính sách liên quan tới người lao động mà còn giúp họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Do vậy, tuyên truyền cần gắn với bồi dưỡng nâng cao ý thức, tình cảm, đạo đức cho CNLĐ. Trong tuyên truyền cần lựa chọn hình thức phù hợp với đặc điểm của từng công ty, doanh nghiệp. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, chú trọng hình thức trực quan, sinh động. Ngoài công tác tuyên truyền, học tập bằng các hình thức trên, thời gian qua, Công đoàn cơ sở còn quản lý và vận động viên chức, CNLĐ thường xuyên đọc những nội dung bổ ích của Báo Lao động, Đồng Khởi, xem chương trình Truyền hình Công đoàn Việt Nam, chuyên mục Lao động và Công đoàn trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre.
…Đến chăm lo cho CNLĐ
Cùng với phát động các phong trào thi đua, LĐLĐ TP. Bến Tre còn chú trọng công tác an sinh xã hội. Ông Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ TP. Bến Tre cho biết: Ngoài việc tổ chức tốt các hoạt động phong trào, LĐLĐ còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm vì đoàn viên và người lao động, LĐLĐ sẽ đồng hành cùng với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Trong phối hợp, xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra chỉ tiêu nhằm đảm bảo cho CNLĐ nghèo có chỗ ở ổn định, an toàn, không phải sống trong tình trạng nhà dột nát, tạm bợ. Phấn đấu xây dựng ít nhất 2 nhà Mái ấm công đoàn cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Vận động các cấp, các ngành, mạnh thường quân xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa cho các CNLĐ thuộc diện chính sách trong các doanh nghiệp. “Nhờ xác định nhiệm vụ trọng tâm cần làm, đưa chỉ tiêu cụ thể mà năm qua, LĐLĐ thành phố đã hoàn thành việc xây dựng và bàn giao nhà Mái ấm công đoàn, tạo điều kiện cho công nhân an tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình” - ông Tâm khẳng định.
Anh Lê Hoàng Khương ở xã Bình Phú là một trong hai công nhân được nhận nhà Mái ấm công đoàn chia sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân anh lại mang bệnh nên không thể làm được gì. Mọi chi tiêu sinh hoạt đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ, vì vậy anh chị không dám nghĩ đến việc sửa nhà nói chi là xây nhà mới. Ngày nhận nhà Mái ấm công đoàn, vợ chồng anh không kìm được xúc động. “Điều ước đã thành sự thật. Cảm ơn sự quan tâm của mọi người, các nhà hảo tâm” - anh Khương bày tỏ.
Cùng với trao nhà Mái ấm công đoàn, LĐLĐ thành phố còn tổ chức thăm, tặng quà, trợ cấp cho 100 viên chức, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí khoảng 20 triệu đồng; phối hợp với Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi chăm lo cho CNLĐ nghèo bị bệnh; tiếp tục vận động thăm, hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho CNLĐ nghèo.
Chia sẻ về kinh nghiệm đã làm, ông Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh: “Ngay từ đầu năm, LĐLĐ xây dựng chương trình công tác trọng tâm, đề ra chỉ tiêu cụ thể. Từng lúc căn cứ trên chương trình, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện theo từng nội dung cụ thể. Tạo điều kiện cho CNLĐ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vay khác với lãi suất thấp. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố còn tăng cường tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả cho CNLĐ. Tăng cường hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo người lao động của tổ chức Công đoàn. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho viên chức, CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các doanh nghiệp để họ an tâm lao động, sản xuất.