Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Đại hàn Kim. Ảnh: Thạch Thảo
Tạo sự khác biệt từ chương trình
Trong hai năm 2017 và 2018, cùng với việc triển khai các thỏa thuận hợp tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã làm việc với đối tác đang hoạt động tại tỉnh để cụ thể hóa thành thỏa thuận hợp tác. Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, LĐLĐ tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai đến các CĐCS trực thuộc những nội dung đã ký kết và cam kết bán sản phẩm với giá đã nêu trong bản thỏa thuận. Đồng thời, niêm yết chương trình khuyến mãi ở công ty để đoàn viên và NLĐ biết, tham gia chương trình.
Các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động phối hợp, đàm phán và ký kết với 9 đối tác đóng trên địa bàn với mức giá ưu đãi giảm từ 3 - 20%. Trong đó, CĐ Các khu công nghiệp tích cực triển khai tại cơ sở, phối hợp với khu du lịch “Đại Nam - Văn Hóa - Du Lịch - Thể Thao” tỉnh Bình Dương; Trung tâm xe máy Huy Hoàng, Nha khoa Sài Gòn Tâm Đức, Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre và một số đơn vị LĐLĐ tỉnh ký kết… đưa công nhân lao động (CNLĐ) đến tham quan và mua sắm các sản phẩm với giá ưu đãi. Đặc biệt, CĐ phối hợp với Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hương Việt, TP. Hồ Chí Minh tổ chức các gian hàng lưu động tại nơi có đông CNLĐ để đoàn viên, NLĐ có điều kiện mua hàng; đã chuyển đến CNLĐ hơn 15 ngàn sản phẩm nước chấm giá ưu đãi, tiết kiệm cho NLĐ trên 300 triệu đồng.
Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Văn Tấn, “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ” đã từng bước tạo sự khác biệt giữa đoàn viên CĐ so với NLĐ chưa là đoàn viên CĐ. Trong 2 năm, LĐLĐ tỉnh đã ký kết với 11 đối tác, chỉ đạo các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ký kết với 9 đối tác. Ngoài việc tổ chức bán hàng theo giá ưu đãi cho đoàn viên và NLĐ, các đối tác đã tích cực tham gia cùng với các cấp CĐ trong tỉnh đóng góp để chung tay chăm lo cho NLĐ như: hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, tặng quà cho đoàn viên khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán và tổ chức chương trình Tết sum vầy hàng năm...
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Văn Tấn cũng thừa nhận thỏa thuận hợp tác giữa CĐ với các đối tác về phúc lợi đoàn viên là việc làm mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, kết quả đem lại chưa cao. CĐ các cấp trong tỉnh còn hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên và NLĐ về “Chương trình phúc lợi đoàn viên và NLĐ”. Đặc biệt, các thỏa thuận hợp tác do CĐ ký kết với các đối tác. Do vậy, nhiều đoàn viên chưa biết, chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của chương trình này. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng, điều kiện và mức thu nhập của đoàn viên, sản phẩm trên thị trường thường xuyên giảm giá, khuyến mãi… do đó chưa thu hút đông đảo đoàn viên tham gia. Việc triển khai các thỏa thuận hợp tác do Tổng LĐLĐ Việt Nam với các đối tác triển khai tại tỉnh kết quả còn hạn chế.
Tăng phúc lợi cho đoàn viên
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Văn Tấn cho rằng, còn một số vấn đề cần quan tâm: Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm, đàm phán với các đối tác mới để tăng các phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ. Đối với những thỏa thuận hợp tác đã ký thì phải phối hợp, kiểm tra việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Triển khai nhanh phần mềm quản lý, việc cấp thẻ, đổi thẻ tích hợp đoàn viên CĐ để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ” tại cơ sở.
Thông tin giữa LĐLĐ tỉnh và các đối tác còn hạn chế. Vì thế, các đối tác đã ký kết với Tổng LĐLĐ Việt Nam cần chỉ đạo cấp dưới của mình phối hợp với LĐLĐ các tỉnh để chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực cho đoàn viên và NLĐ. Chính quyền địa phương nên tạo điều kiện về pháp lý để các đối tác thực hiện tốt chương trình thỏa thuận mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên.
LĐLĐ tỉnh và các cấp CĐ phải tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh đã ký kết với các đối tác. Thường xuyên rà soát, đánh giá lại năng lực, trách nhiệm và khả năng thực hiện các cam kết của các đối tác để có giải pháp thực hiện tốt hơn. Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thương lượng, ký kết thỏa thuận hợp tác mới, đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Chủ động tìm kiếm và tiếp tục phát huy mô hình bán hàng lưu động tại nơi có đông CNLĐ. Những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ bán cho đoàn viên, NLĐ cần phải đảm bảo chất lượng, giá cả ưu đãi và phải đưa sản phẩm, dịch vụ tới được đến CĐCS, đoàn viên CĐ và NLĐ.
Phối hợp thành lập các cửa hàng, siêu thị mini và tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ cho đoàn viên, NLĐ trong các hoạt động lớn do CĐ tổ chức. Phối hợp vận động các đối tác tham gia thực hiện tốt công tác chung tay chăm lo cho NLĐ như: hỗ trợ xây dựng mái ấm CĐ, hỗ trợ cho đoàn viên khó khăn, tặng quà nhân dịp tết nguyên đán và tổ chức chương trình tết sum vầy hàng năm.
CĐ chủ động liên hệ làm việc với đối tác hoặc đơn vị cấp dưới của các đối tác do Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết có sản phẩm, dịch vụ tại tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra giải pháp, phương thức bán hàng hóa, dịch vụ theo giá ưu đãi, bán trả góp, lãi suất thấp hoặc không lãi suất để đoàn viên, NLĐ có cơ hội được mua và sử dụng các sản phẩm này, góp phần nâng cao đời sống cho đoàn viên, NLĐ. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, trao đổi công việc giữa các cấp CĐ với các đối tác; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân triển khai thực hiện tốt chương trình này để động viên, khuyến khích và nhân rộng trong hệ thống CĐ.