Đọc sách là nhu cầu thiết yếu của mọi người để mở rộng và nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết; đó là nét văn hóa truyền thống lâu đời tự thân nó tồn tại và phát triển phù hợp với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói:“Không có gì thay thế được văn hóa đọc”. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của đọc sách và văn hóa đọc, thời gian qua tỉnh Bến Tre rất chú trọng đẩy mạnh việc phát triển văn hoá đọc sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn dân, góp phần giúp cho việc hoàn thiện tri thức, phát triển bản thân, làm giàu trí tuệ, giàu có tâm hồn.
Các thí sinh nhận giải chụp ảnh cùng Ban tổ chức
Hưởng ứng Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021 vừa qua Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi viết “Cảm nhận sách về Bến Tre”. Cuộc thi diễn ra từ ngày 17/02/2021 đến ngày 10/05/2021, cuộc thi được hai ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện, kênh thông tin; sau thời gian phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 400 bài dự thi từ các Công đoàn cơ sở trong toàn tỉnh; khá nhiều bài thi đều viết rất hay, các tác giả đầu tư đầy tâm huyết, trau chuốt từng câu, từng chữ cho bài viết của mình; thể hiện đầy cảm xúc về những quyển sách đã đọc cũng như cảm nhận, thấy đuợc vai trò, tầm quan trọng lớn lao của sách với nhân loại, đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho cán bộ đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Tác giả Lê Thị Mai - Trường Cao đẳng Bến Tre, đạt giải nhì cuộc thi chia sẻ: “Đây không phải lần đầu tiên tôi viết bài tham gia cuộc thi, nhưng cuộc thi “Viết cảm nhận sách về Bến Tre” đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc khó quên; trong nhịp sống hối hả từng ngày, từng ngày để đọc một quyển sách và cảm nhận được tôi như sống chậm lại, đọc và cảm nhận từng dòng, từng trang sách quả là thú vị. Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm tôi như quay lại thời cắp sách đến trường, được viết một bài “tập làm văn” mà đề bài là cảm nhận một quyển sách về Bến Tre. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều cuộc thi như thế để nhiều người Bến Tre như tôi và nhiều bạn trẻ có dịp đọc nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn về những giá trị văn hóa của đất và con người Bến Tre hiểu sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc của ông cha đã hy sinh để giữ gìn quê hương đất nước; hiểu về hôm qua để sống nhân hậu hơn trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương đất nước”. Chúng ta có thể ví mỗi quyển sách là một bức tranh kỳ diệu, mở ra trước mắt người đọc một chân trời tri thức; khi đọc qua mỗi cuốn sách sẽ bắt gặp những câu chuyện, những con người, những mảnh đời với những số phân khác nhau, đọng lại trong người đọc nhiều cảm xúc và ấn tượng đẹp - dù tác giả khai thác ở khía cạnh nào. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, cuộc thi vẫn còn một số hạn chế số lượng thí sinh tham gia chưa nhiều, khá nhiều bài viết còn sao chép trên mạng, sao chép bài cùng nhau, một số tác giả viết cảm nhận quyển sách không đúng theo quy định của Ban tổ chức; một số bài viết chưa có sự đầu tư, qua loa…về nội dung lẫn hình thức. Vì vậy, để văn hoá đọc ngày càng được cán bộ, đoàn viên công nhân viên chức lao động quan tâm, trước hết mỗi người chúng ta ngay từ khi còn nhỏ, cần phải hình thành thói quen đọc sách; định hướng, hướng dẫn từ mọi người trong từng gia đình mỗi ngày phải dành một ít thời gian nhất định để đọc sách; có phương pháp đọc sách và dần hình thành lòng ham mê đọc sách ở mọi tầng lớp, điều này tự bản thân mỗi người phải tự rèn luyện với phương châm “muốn đổi thói quen - phải thay hành động”.
Cuộc thi “Cảm nhận sách về Bến Tre” năm 2021 được tổ chức lần đầu, nhưng đã phần nào khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của “Văn hóa đọc” trong đời sống xã hội. Cuộc thi không những tạo sân chơi thật sự lành mạnh, bổ ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà còn góp phần tuyên truyền, lan tỏa và phát triển “Văn hóa đọc” tại Bến Tre; đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động tỉnh nhà đối với quê hương, với những cống hiến to lớn của các bậc danh nhân, các anh hùng, liệt sĩ - những người nằm lại phía chân trời, những người con ưu tú của Bến Tre….
Trong thời gian tới để cuộc thi “Cảm nhận sách” tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Công đoàn các cấp cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm tăng cường tuyên truyền vận động công đoàn viên, công nhân viên chức lao động xây dựng văn hóa đọc sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng thói quen đọc sách phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân, phấn đấu để công nhân viên chức lao động có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí; ngành văn hóa ngoài việc thành lập thư viện sách giấy cần duy trì thành lập thư viện sách điện tử với nhiều đầu sách được cấp bản quyền - phát huy vai trò chủ thể, vừa cảm thụ, vừa sáng tạo các giá trị văn hóa cho riêng mình, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tinh thần của tỉnh nhà; góp phần phát triển “Văn hóa đọc trong cộng đồng” ở Bến Tre. Qua đó kế thừa và phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; khơi dậy niềm đam mê và hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ trong thời gian tới./.
VP