Trao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Chăm lo cho người lao động
Hoạt động CĐCS nhóm doanh nghiệp (DN) từ 2.000 lao động trở lên có thuận lợi là được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, của CĐ cấp trên và các ban, ngành liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, địa điểm của các chủ DN và ban giám đốc công ty, cùng với sự nỗ lực của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ của các CĐCS trong hoạt động CĐ. Từ đó, hoạt động CĐ luôn đạt kết quả tốt.
Những năm qua, ban chấp hành CĐCS phối hợp với ban giám đốc công ty tổ chức đối thoại định kỳ, ký kết thỏa ước lao động tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) tốt, đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và NLĐ. Định kỳ hàng quý, lãnh đạo công ty tổ chức đối thoại với CNLĐ để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc, kiến nghị của NLĐ để lãnh đạo công ty có sự điều chỉnh trong lao động sản xuất. Hoạt động đối thoại tại nơi làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Qua đó, xây dựng môi trường lao động ổn định, vì sự phát triển của đơn vị, dung hòa được quyền và lợi ích; có tác dụng phòng ngừa các bất đồng xảy ra, hạn chế và loại trừ nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động làm phá vỡ quan hệ lao động, gây thiệt hại về quyền, lợi ích cho cả hai bên. Riêng năm 2020, việc tổ chức đối thoại định kỳ có đơn vị còn chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, người sử dụng lao động và NLĐ luôn có mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp.
Ban giám đốc DN phối hợp với Ban Chấp hành CĐCS chăm lo tốt đời sống, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm đến chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Mặc dù, DN đang khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các chế độ phúc lợi, tiền thưởng vẫn được đảm bảo. Qua đó, NLĐ rất hăng hái làm việc, góp phần tăng năng suất. Số lao động tạm hoãn hợp đồng cũng thông cảm cho tình hình khó khăn hiện tại của DN.
Trước tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung là hai Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp. Đặc biệt, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với số lượng trên 2.000 lao động. Vì vậy, Ban Chấp hành CĐCS có nhiều cố gắng trong thực hiện vai trò, trách nhiệm, là cầu nối để NLĐ cảm thông với tình hình khó khăn chung của các công ty và là chỗ dựa tinh thần cho NLĐ, hạn chế tối đa việc xảy ra tranh chấp lao động.
Một số bất cập đặt ra
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc chưa rộng khắp. Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hạn chế tổ chức và cũng hạn chế về quy mô.
Trình độ, năng lực của cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐCS ở các DN có đông CNLĐ còn bất cập. Các cơ chế, chính sách để bảo vệ cán bộ CĐ chưa đủ mạnh nên cán bộ CĐ chưa mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tại DN. Vẫn còn một số cán bộ CĐCS chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới nên chưa thật sự thu hút đông đảo CNLĐ và đoàn viên tích cực tham gia hoạt động CĐ. Một số nơi Ban Chấp hành CĐCS chưa hoạt động đều tay, chưa tranh thủ được sự ủng hộ của các chủ DN để tổ chức các hoạt động.
Hiện nay, tại các DN có đông CNLĐ cũng đứng trước không ít khó khăn. Trong giao tiếp ứng xử giữa cán bộ, nhân viên của công ty và NLĐ có lúc chưa hài hòa. Chất lượng đội ngũ CNLĐ vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của sự phát triển. Một bộ phận CNLĐ chưa qua đào tạo, trình độ học vấn, nghề nghiệp còn thấp, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động và tác phong lao động công nghiệp không đồng đều. Tình trạng CNLĐ bị mất việc, thiếu việc làm còn diễn ra. Quan hệ lao động còn có xu hướng diễn biến phức tạp, tranh chấp lao động, đình công tuy giảm hơn trước nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra.
Số lượng NLĐ nghỉ việc và nghỉ tạm hoãn hợp đồng 6 tháng nhiều, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của NLĐ. NLĐ gặp nhiều khó khăn, trông chờ vào tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP về việc hỗ trợ NLĐ mất việc do đại dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa được nhận.
Kinh phí CĐ tạm hoãn, hiện tại là 3 - 5 tháng và có thể kéo dài đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa trước tình hình dịch bệnh hiện nay. Kinh phí hoạt động chỉ từ nguồn thu đoàn phí do đoàn viên đóng. Vì vậy, công tác chăm lo cho đoàn viên và NLĐ thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Các DN hoạt động chủ yếu theo dây chuyền sản xuất. Mỗi người một công đoạn logic với nhau và vận hành cùng thời điểm. Vì vậy, đôi khi NLĐ không thể tham gia các hoạt động tổ chức trong ngày làm việc. Bên cạnh đó, CNLĐ tuổi đời còn trẻ, phần lớn trong độ tuổi sinh sản và nuôi con nhỏ. Vì vậy, thời gian tham gia các hoạt động CĐ cũng rất hạn hẹp.
Đời sống của một bộ phận đoàn viên, CNLĐ có thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn. Một số DN chưa được người sử dụng lao động quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; chưa quan tâm đến việc sinh hoạt văn hóa, tinh thần của NLĐ.
Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đa dạng về cơ cấu ngành nghề, lực lượng CNLĐ sẽ tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện và phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là Luật CĐ, Bộ luật Lao động sẽ tạo môi trường pháp lý cho tổ chức CĐ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. |