Site banner

Sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

26/07/2016 | Trâm Duyên

Cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành, giữ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc đã phải chịu những tổn thất không sao kể siết. Hàng triệu bà mẹ đã bao lần tiễn con đi, là bao lần khóc thầm lặng lẽ bởi hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời, nhiều người còn mang trong mình vết thương da cam. Để rồi còn đó hàng năm trong những ngày xuân về, tết đến nhiều nhà không được hưởng trọn niềm vui sum họp, vì người thân của họ đã ra đi mãi mãi không về. Sự hy sinh của các liệt sĩ, của thương bình, người có công với cách mạng vì dân tộc, vì đất nước là vô cùng to lớn và vô giá.

(Ảnh TL)

Để tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, tại Hội nghị đại biểu các ngành, các cơ quan Trung ương, các khu và các tỉnh vùng đồng bào dân tộc họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (tháng 6/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị chọn ngày 27/7 làm Ngày Thương binh toàn quốc (sau đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Kể từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành một trong những ngày truyền thống đạo lý nhân ái tốt đẹp về thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, được hình thành trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước. Truyền thống đó được hun đúc, kết tinh, phát huy từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã ghi dấu công lao anh dũng những người con ưu tú của nước Việt đã không tiếc xương máu để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn hy sinh to lớn, vô giá các anh hùng thương binh, liệt sĩ đã đem máu xương của mình tô thắm cho màu cờ Tổ quốc trong các giai đoạn lịch sử và để đến hôm nay luôn luôn đỏ thắm, tươi đẹp.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016), là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhớ lại những quan điểm, tư tưởng và tấm lòng cao cả, thắm đượm tình thương bao la mà sinh thời Bác đã viết thư gửi cho các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ. Những bức thư Bác viết gởi cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ với lời lẽ thật giản dị, chân thành, mộc mạc, ai đọc cũng xúc động và cảm nhận được tình cảm cao cả của Bác qua những lời động viên, an ủi rất cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc và mãi luôn  trường tồn với thời gian, cũng như ở mọi lúc, mọi nơi.

Nhớ lại, ngày 07/1/1946 trong bức thư Bác Hồ gửi đăng trên báo Cứu quốc: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà - hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi". Ngày 15/8/1946, Bác viết thư cỗ vũ: "Từ trước đồng bào đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được và những tử sĩ cũng không tái sinh, mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn. Vì vậy tôi mong và chắc rằng: Đồng bào trước đã giúp đỡ sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi".

Ngày 17/11/1946, Hội tổ chức lễ Mùa đông binh sỹ, tại buổi lễ ra mắt của Hội, Bác Hồ đã tặng chiếc áo rét Bác đang mặc, chiếc áo lụa, một tháng lương và đề nghị Chính phủ chọn một ngày để tỏ lòng biết ơn các đồng chí  thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 8/1/1947, trong thư khen ngợi công lao của các thương binh, sự tận tâm của các y sĩ, hộ lý cứu thương trong việc chăm sóc thương binh, Bác viết: "Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế".

Đền thờ Liệt sĩ tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách do nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp xây dựng. (Ảnh TTr)

Tháng 1/1947, Bác Hồ gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng, là một người cha liệt sĩ một bức thư đầy xúc động, bức thư có đoạn: "... Cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam". Và ngày 16/2/1947, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 19-SL về chế độ hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ.

Tháng 7/1948, kỷ niệm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”, Bác viết: "Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí...".

Tháng 8/1948, Bác viết thư cho cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định bày tỏ lòng cảm động khi biết tin cụ có 6 người con tham gia kháng chiến, trong đó 4 người đã hy sinh oanh liệt vì Tổ quốc: "Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gởi lời khen ngợi và tặng Cụ mấy chữ: "Một nhà trung hiếu/ Muôn thuở thơm danh". Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi".

Tháng 7/1949, Bác viết thư gửi cho Bộ trưởng Vũ Đình Tụng: "Hôm đó Bộ không tổ chức lạc quyên. Nhưng Bộ vẫn trông mong và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà hoặc quyên giúp. Vậy tôi xin xung phong: Tặng một số khăn mặt và áo quần mà đồng bào các nơi đã biếu. Gửi một tháng lương là 1.000 đồng. Và nhờ cụ chuyển lời thân ái của tôi an ủi anh em thương binh cùng các gia đình tử sĩ".

Tháng 7/1950, Bác viết: "Tôi mong rằng các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai sẵn có quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến. Nhân dịp này, tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức".

Tháng 7/1951, Bác viết: "Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn được ruộng của những đồng bào hằng tâm hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới để giúp thương binh. Chính quyền đoàn thể và đồng bào trong xã sẽ tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi sẽ nuôi thương binh. Tùy theo số ruộng đất trích được, mượn được hoặc khai khẩn được mà đón nhiều hoặc ít thương binh về xã. Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ như học may vá, đan đát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, giúp việc bình dân học vụ trong làng".

Viếng mộ đồng đội nằm yên nghĩ ở nghĩa trang Hồ Cỏ, xã Thạnh Phong - Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. (Ảnh TTr)

Tháng 7/1953, Bác lại gửi thư cho cụ Bộ trưởng: "Nhân dịp Ngày Thương binh, tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái của tôi".

Tháng 7/1954, Bác lại viết: "Tôi gửi cụ 30.000 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương 45.000 đồng để cụ làm quà cho anh em".

Tháng 7/1958, Bác viết: "Bác mong những anh em thương tật nặng thì yên tâm an dưỡng. Các anh em khác thì tùy khả năng của mình, hăng hái tham gia sản xuất trong các tổ đổi công và hợp tác xã".

Tháng 7/1959, Bác lại viết: "Tôi nhắc các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, để anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong đời sống".

Tháng 7/1967, Bác viết thư khen cán bộ và nhân viên quân y. Bác căn dặn: "Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn".

Ngoài những thư Bác viết nhân Ngày Thương bình - Liệt sĩ 27/7 hàng năm, Bác còn viết thư gửi cho Bộ trưởng Bộ Thương binh: "Tôi tiếp được báo cáo nhiều nơi, khen ngợi một số anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã trở nên gương mẫu trong xã. Tôi mong rằng Bộ trưởng nêu những thành tích và kinh nghiệm quý báu để các xã và những anh em khác noi theo". Cũng như ngày 31/12/1954, trước ngày nhân dân Thủ đô đón Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về sau chín năm trường kỳ kháng chiến  chống thực dân Pháp, Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ Hà Nội, Bác xúc động nói: “Chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ. Máu đỏ của các liệt sĩ đã nhuốm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh...".

Trước lúc đi xa về ngủ yên trong lòng đất mẹ, trong bản Di chúc được viết bổ sung vào tháng 5/1968, Bác đã căn dặn rất cặn kẽ, cảm động: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xướng máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố - làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ, con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền đại phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để cho họ bị đói rét. Để hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" trở thành phong trào sôi nổi, thiết thực, Bác Hồ kêu gọi mọi người phải xuất phát từ tình cảm chân thành, sự tự nguyện tự giác, phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi người, không nên hăng hái thái quá: "Các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, bộ đội, công an trên các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu thì không nên nhịn, còn tất cả mọi người khác đều nhịn ăn một bữa một cách tự động, tuyệt đối không cưỡng bức, làm sao cho mọi người hăng hái tham gia đền ơn đáp nghĩa".

Hoạt động Thắp nến tri ân hàng năm của tuổi trẻ Bến Tre tại các đền thờ liệt sĩ trong tỉnh. (Ảnh TLTP)

Giờ đây, ôn lại tư tưởng, tình cảm cao cả, sự quan tâm chăm sóc của Bác Hồ đối với công tác chăm sóc thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng, cũng như những món quà hàng năm Bác gửi tặng thương binh, gia đình liệt sĩ thật giản dị, nhưng vô cùng quý giá. Đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, cũng như làm ấm lòng người chiến sĩ và gia đình liệt sĩ. Đáp lại tình cảm của Bác và bằng tinh thần, nghị lực, ý chí của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống; không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Và các đồng chí thương binh đã làm đúng theo lời Bác dạy thương binh "tàn nhưng không phế".

Quán triệt và thực hiện Di chúc của Bác về chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhiều năm qua Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, cùng đoàn thể, toàn quân, toàn dân ta đã, đang tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" và các chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc nói chung, Bến Tre nói riêng cũng đã và đang tiếp tục chung sức, chung lòng làm nhiều việc có ý nghĩa thiết thực như: tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ...

Tỉnh ta cũng đã tập trung thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công trong tỉnh theo quy định trong nhiều năm qua và vận động xã hội hóa thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn". Các cấp ủy Đảng, chính quyền hàng năm đều tổ chức hoạt động chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp trong tỉnh hàng năm đều có kế hoạch tổ chức đêm “Thắp nến tri ân” ở các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm đầy nghĩa tình, góp phần động viên, an ủi, tạo không khí đầm ấm, phấn khởi cho thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

Hơn bao giờ hết, ngày nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình, càng làm cho chúng ta không quên công lao và sự hy sinh cao cả, to lớn của các thương binh, liệt sĩ. Việc làm thiết thực nhất là hàng năm mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự giác ủng hộ cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ một ngày lương, thì hành động ấy có ý nghĩa biết bao. Và làm tốt những điều đó, chúng ta không chỉ tri ân những người con anh hùng liệt sĩ, mà còn cổ vũ động viên, góp phần làm ấm lòng cho những gia đình đã lần lượt tiễn chồng, con ra đi mãi mãi, cũng như những gia đình bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ.

Phát huy truyền thống và thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một nét đẹp văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mỗi người hãy chung tay với các cấp, các ngành thăm hỏi, chăm sóc sức khoẻ, chia sẻ khó khăn bằng những hành động thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, cũng như để phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên quê hương Đồng Khởi. Đặc biệt, là góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta, nhất là góp phần làm cho tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng trong thực tiễn. Và  hãy cùng thấp nén hương lòng, kính cẩn, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ bất diệt và đồng bào đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc; tri ân những người đã để lại một phần cơ thể, để chúng ta hưởng được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay.

bodrum escort cesme escort didim escort eryaman escort antalya escort mersin escort manavgat escort sohbet hatti