Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường khai mạc Hội thảo
Các đồng chí: Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Lâm Phương Thanh - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS.TS Phùng Hữu Phú – nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư… tham dự hội thảo.
Tham dự Hội thảo khoa học còn có hơn 50 đại biểu đến từ các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các nhà khoa học đầu ngành, đã có nhiều năm nghiên cứu về phong trào công nhân, tổ chức CĐ Việt Nam thuộc Hội đồng Lư luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện CN và CĐ, Trường Đại học CĐ Việt Nam; lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, đại diện các Ban, đơn vị và một số LĐLĐ, TP, CĐ ngành T.Ư, CĐ Tổng Cty trực thuộc Tổng LĐLĐVN…
Các đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS.TS Phùng Hữu Phú – nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư; Nguyễn Văn Ngàng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đồng chủ trì hội thảo…
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Có thể nói ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế lao động và Sắc lệnh số 56/SL đã để lại cho phong trào công nhân, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam những bài học kinh nghiệm rất có giá trị về tập hợp, đoàn kết và chăm lo, bảo vệ quyền lợi thiết thân của công nhân lao động. Những bài học đó càng đặc biệt có giá trị khi nước ta đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Hội thảo hôm nay là một diễn đàn khoa học quan trọng nhằm đúc kết bài học kinh nghiệm từ ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế lao động 1/5 và Sắc lệnh số 56/SL, đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy phong trào công nhân, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trước những thách thức đặt ra khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…”
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ, sâu sắc ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày Quốc tế lao động 1/5 và Sắc lệnh số 56/SL ngày 29/4/1946, qua đó khẳng định truyền thống vẻ vang, vai trò của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đúc kết bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy phong trào công nhân, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trước những thách thức của thời kỳ mới, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
22 tham luận của các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ Công đoàn gửi đến Hội thảo tập trung vào hai nhóm vấn đề: Ý nghĩa lịch sử Ngày Quốc tế lao động 1/5 và Sắc lệnh số 56/SL ngày 29/4/1946 và bài học kinh nghiệm đối với phong trào công nhân, hoạt động Công đoàn Việt Nam; Những vấn đề đặt ra và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.