Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Từ đầu năm 2019, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; đồng thời xây dựng và ban hành Quy chế làm việc, Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Trên cơ sở 9 nhóm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Quyết định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc giao chỉ tiêu cơ bản thực hiện nhiệm vụ năm 2019, 100% Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nghiêm túc triển khai thực hiện, tạo bước chuyển quan trọng trong việc lượng hóa hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Các cấp Công đoàn nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng tham gia xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, tổ chức Công đoàn chủ động triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về lao động và công đoàn.
Tiếp tục phát huy vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, tổ chức Công đoàn tích cực đàm phán, thương lượng với đại diện người sử dụng lao động, thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt kết quả tích cực với 1.020 bản thỏa ước lao động tập thể ký mới (đạt 48,5% chỉ tiêu năm, tăng 3% so với tổng số thỏa ước ký kết trong cả năm 2018), nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết lên 29.896 bản. Hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn đã tư vấn 13.129 vụ cho 36.398 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia đại diện bảo vệ người lao động tại tòa án 739 vụ cho 1.013 người lao động; đại diện khởi kiện tại tòa án 19 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 2 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.019 người lao động với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỉ đồng.
Thực hiện chủ đề năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn", các cấp công đoàn cả nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đa dạng chăm lo lợi ích thiết thực, thiết thân với người lao động. Kết quả, các cấp công đoàn tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác, ký kết 262 thỏa thuận hợp tác mới (đạt 52,4% chỉ tiêu của năm 2019); đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các thỏa thuận mới đến đoàn viên, người lao động; tạo điều kiện thuận lợi để 1.313.208 lượt đoàn viên, công nhân, lao động tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của đối tác với tổng số tiền là hơn 63,959 tỉ đồng, qua đó thiết thực chăm lo, cải thiện đời sống đoàn viên, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa người đoàn viên với tổ chức Công đoàn, thu hút nhiều hơn người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn.
Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” được xúc tiến ở các địa phương tập trung đông công nhân, lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực làm việc với 33 tỉnh, thành phố để thống nhất quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế Công đoàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại tỉnh Hà Nam, dự kiến đến ngày 30.8.2019 sẽ bàn giao 500 căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là công nhân lao động.
Chương trình “Mái ấm công đoàn” đạt kết quả, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.081 nhà, giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống. Hoạt động xã hội hướng tới chăm lo đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, hoạt động cho vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ trợ vốn cho công nhân, lao động được quan tâm duy trì thường xuyên, góp phần san sẻ, hỗ trợ kịp thời người lao động vượt qua khó khăn, có thêm động lực, niềm tin trong cuộc sống.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình "Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ Công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019" tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo hiệu ứng truyền thông tốt, xây dựng hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp, người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, đặc biệt lần này là công nhân lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 43 kiến nghị thuộc 7 nhóm vấn đề là tiếng nói từ trái tim và khối óc của công nhân, lao động kỹ thuật cao đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được gửi tới Thủ tướng.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở được các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện ngay từ các tháng đầu năm với quyết tâm cao, nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao của năm 2019. Kết quả, cả nước đã tuyên truyền, thành lập 2.760 công đoàn cơ sở, phát triển mới 356.330 đoàn viên công đoàn (đạt hơn 73% chỉ tiêu năm 2019), thành lập 774 công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới, xác định 6 nhóm chỉ tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động công đoàn các cấp trong những tháng cuối năm 2019 sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật, trọng tâm là Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật trong việc tham gia ý kiến phản biện đối với các chính sách, quy định có liên quan đến đoàn viên, người lao động. Nghiên cứu, ban hành kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn khi chính sách, pháp luật thay đổi. Tiếp tục thực hiện thí điểm việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo nhóm ngành.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình ”Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thiết chế công đoàn đã được phê duyệt, nhất là đối với thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn (tỉnh Hà Nam); đồng thời tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế tại các địa phương khác, đảm bảo mục tiêu, tiến độ của Đề án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ hoàn thiện Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” trình Bộ Chính trị phê duyệt; triển khai “Phong trào nói không với tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức”; tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới.