Các đồng chí: Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; các đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hồng, Trần Văn Thuật, Trần Văn Lý đồng chủ trì hội nghị.
Hơn 1,2 triệu đoàn viên hưởng lợi từ chương trình phúc lợi
Buổi làm việc ngày 3.7 diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng. Trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động CĐ 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho biết, tính đến tháng 5.2018, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 12.960 tỉ đồng, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2017. Dù vậy, có hơn 100 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra tình trạng chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Cùng với đó, trong 5 tháng đầu năm, tình hình ngừng việc tập thể tuy có giảm, nhưng diễn biến phức tạp. Cụ thể, cả nước đã xảy 125 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể tại 31 địa phương, giảm 78 cuộc so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh việc xuất hiện tình trạng ngừng việc tập thể biểu thị sự không đồng tình khi DN chuẩn bị thay đổi cơ bản thang bảng lương, trong tháng 6.2018, khi Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, do bị lôi kéo, từ ngày 9.6 đến ngày 21.6, có hơn 692.000 lượt CNLĐ của 329 lượt DN (trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài là 285 lượt, DN tư nhân là 44 lượt) tại 8 địa phương đã tập trung đông người, ảnh hưởng đến giao thông, an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Hoạt động CĐ 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên CĐ” tiếp tục được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, góp phần xây dựng, củng cố quan hệ gắn kết bền chặt hơn giữa đoàn viên với tổ chức CĐ.
Các cấp CĐ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chương trình dưới nhiều hình thức đa dạng; chủ động đàm phán, ký kết 337 thỏa thuận mới với các đối tác; đã triển khai đến đoàn viên và NLĐ của 70.070 CĐCS; đã có 1.260.053 đoàn viên, NLĐ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối tác với giá trị đoàn viên được hưởng lợi tham gia chương trình là 449,1 tỉ đồng.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Kịp thời giải quyết những bức xúc của CNLĐ
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1, TPHCM, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - chia sẻ một số giải pháp chủ yếu của LĐLĐ TPHCM thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
Theo đó, đối với giải pháp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, LĐLĐ TPHCM chủ động tạo sân chơi tại chỗ cho CNLĐ để họ không phải di chuyển xa. Để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CNLĐ, từ đó đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập, LĐLĐ TPHCM đẩy mạnh các phong trào thi đua, biểu dương khen thưởng công nhân đạt thành tích trong các phong trào thi đua; tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề, thi nâng bậc.
Bên cạnh đó, các cấp CĐ tạo điều kiện cho công nhân học tập ngay tại nơi làm việc cho mình, không phải di chuyển xa. Ngoài ra, các cấp CĐ sâu sát với CNLĐ để sớm phát hiện, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc của CNLĐ.
Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - chia sẻ một số giải pháp, vai trò của CĐ trong đảm bảo an ninh trật tự liên quan đến tình hình CNLĐ phản đối thông qua Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa qua. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp CĐ nắm thật chắc tình hình CNLĐ về tư tưởng, tâm trạng, các sự việc diễn ra trong CNLĐ để báo cáo CĐ cấp trên, từ đó vào cuộc kịp thời giải quyết.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đã thiết lập các kênh thông tin qua mạng xã hội để trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời; huy động toàn bộ cán bộ CĐ chuyên trách, không chuyên trách, lực lượng nòng cốt nắm tình hình, tuyên truyền đến CNLĐ.
Ngoài ra, đối với những DN được xem là điểm nóng, lực lượng CĐ cấp trên luôn túc trực, nắm tình hình, cùng cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Các cấp CĐ cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền tới CNLĐ, như: Treo băngrôn tại cổng các DN, phát trên loa phát thanh địa phương, gửi tin nhắn trực tiếp đến CNLĐ.
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị còn thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung khác, như: Tờ trình tóm tắt báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa X của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; tờ trình về dự thảo “Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII”; Tờ trình Báo cáo tổng kết 4 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam; Tờ trình Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI; Tờ trình tóm tắt Báo cáo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra CĐ các cấp 6 tháng đầu năm, chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018; Tờ trình Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra CĐ các cấp nhiệm kỳ 2013-2018; dự thảo Điều lệ CĐ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Hội nghị đã chia tay 30 đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN và bầu bổ sung 26 đồng chí vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI; bầu bổ sung đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - vào Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Trong chiều 3.7 và sáng 4.7, hội nghị chia tổ để thảo luận về các nội dung của hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Tờ trình về dự thảo “Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII”; tờ trình Báo cáo tổng kết 4 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam; tờ trình Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra CĐ các cấp nhiệm kỳ 2013-2018; Tờ trình Báo cáo (sửa đổi, bổ sung) Điều lệ CĐ Việt Nam và dự thảo Điều lệ CĐ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); đánh giá công tác tổ chức Đại hội CĐCS và cấp trên cơ sở; hoàn thiện công tác nhân sự Ban chấp hành; Tờ trình tóm tắt Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa X của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, hội nghị lần này có thời gian họp không dài, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hội nghị bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII. Các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra. QUẾ CHI (ghi) |
“Công đoàn sẽ là sự lựa chọn tốt nhất của người lao động để đại diện cho mình, ngày hôm nay, trong tương lai và mãi mãi” Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư - đánh giá, thời gian vừa qua tổ chức CĐ ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Chủ đề và những hoạt động của tổ chức CĐ ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. “Các cấp CĐ đã chú trọng đến nhóm NLĐ yếu thế ở vùng sâu, xa, thu nhập thấp hơn, có cuộc sống khó khăn, NLĐ nhập cư. Những hoạt động này đã mang lại dấu ấn của tổ chức CĐ; đem lại tình cảm của xã hội đối với tổ chức CĐ” - đồng chí Trương Thị Mai nói. Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, CĐ cũng đã tỏ rõ vai trò mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quan hệ lao động, nhất là đã chủ động hơn trong giải quyết các cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Đồng chí nhấn mạnh, CĐ cần tập trung các giải pháp để lao động có việc làm bền vững và thu nhập hợp lý. Để đạt được mục tiêu quan trọng trên, tổ chức CĐ tham gia vào vấn đề tiền lương của NLĐ bằng nhiều cách thức khác nhau: Tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia; độc lập nghiên cứu tiền lương tối thiểu chính là mức sống tối thiểu của họ và gia đình họ ở những thời điểm khác nhau; độc lập công bố các mức lương bình quân của các ngành nghề khác nhau để NLĐ căn cứ vào đó ký hợp đồng ở các mức lương mà không bị thua thiệt cũng như căn cứ vào đó để thương lượng ký kết TƯLĐTT. Đồng chí Trương Thị Mai chúc cho tổ chức CĐ phát triển vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng chí cũng gửi lời chúc tới Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII sẽ thành công tốt đẹp; tổ chức CĐ sẽ đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong quá trình đất nước hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào quốc tế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “CĐ sẽ là sự lựa chọn tốt nhất của NLĐ để đại diện cho mình, ngày hôm nay, trong tương lai và mãi mãi” - đồng chí Trương Thị Mai gửi lời chúc trước khi kết thúc lời phát biểu. Tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư - thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Lao Động hạng Nhì tới các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu; Vũ Hồng Phương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Thị Thiện - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lai Châu. Đồng thời trao Huân chương Lao Động hạng Ba tới các đồng chí: Trần Văn Lý - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Phan Văn Anh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính; Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn. Cũng tại hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tới các đồng chí: Vũ Anh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Oánh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Tổng LĐLĐVN. Dịp này, 8 tập thể nhận bằng khen của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN vì đã có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành T.Ư khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. QUẾ CHI |