Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUẾ CHI
Xây dựng đề án đổi mới
Theo Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải, hiện nay, CĐVN cần phát triển mạnh mẽ hơn để đảm đương tốt nhiệm vụ do Hiến pháp 2013 quy định và những định hướng lớn theo Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản VN hoạch định.
Mặt khác, việc ký kết, thực hiện cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động nhiều mặt đến CĐVN. Trước tình hình mới trên, Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN xây dựng đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ trong giai đoạn hiện nay”.
Mục tiêu của đề án là giữ vững số lượng đoàn viên, không ngừng phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế bằng chất lượng hoạt động CĐ; sự tự nguyện, tự giác tham gia tổ chức và hoạt động CĐ của đoàn viên; tinh thần trách nhiệm và sự tiến công của đội ngũ CBCĐ; sự góp sức của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của người sử dụng LĐ...
Đề án tập trung đổi mới ở 8 vấn đề: Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ các cấp theo hướng lấy đoàn viên và NLĐ làm đối tượng hoạt động; nâng cao lợi ích cho đoàn viên từ hoạt động CĐ; đổi mới nhiệm vụ của các cấp CĐ; trọng tâm đổi mới tổ chức CĐ ở khu vực ngoài nhà nước, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS; nâng cao đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách; cơ cấu lại nguồn lực tài chính; đổi mới phương thức chỉ đạo theo hướng phục vụ của CĐ cấp trên đối với CĐ cấp dưới; tạo sự thống nhất nhận thức về đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ đối với hệ thống chính trị; người sử dụng LĐ và đội ngũ cán bộ CĐ.
“Cán bộ CĐ phải thở hơi thở của NLĐ”
Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình mới, CĐVN cần đặt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ lên hàng đầu.
Đồng chí Cù Thị Hậu - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, đó là chức năng số 1 của CĐVN, nếu làm tốt, NLĐ sẽ tự có nhu cầu tham gia tổ chức CĐVN. Đồng chí Nguyễn Đình Thắng - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - bày tỏ, chức năng này đã được quy định, nhưng trong thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm, xâm hại đến quyền lợi của NLĐ. Chính vì vậy, tổ chức CĐ cần tập trung, quyết liệt để giải quyết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Chị Hoàng Thị Nguyệt (đứng) - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Vina Nano Hightech (Bắc Giang) - là một cán bộ CĐCS giỏi, luôn sâu sát người lao động. Ảnh: T.HOÀNG
Đồng chí Đặng Ngọc Chiến - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng, phải lấy việc bảo vệ quyền lợi NLĐ vừa là mục tiêu, vừa là phương thức hoạt động xuyên suốt, đấu tranh trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần sát sườn của đoàn viên.
Để làm tốt chức năng trên, vai trò của cán bộ CĐ là rất quan trọng. Theo đồng chí Nguyễn Đình Thắng - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cần quan tâm bồi dưỡng cán bộ CĐCS, đặc biệt là kỹ năng thương lượng, đối thoại; rèn luyện bản lĩnh để có được những điều khoản có lợi cho NLĐ. “CBCĐ phải nhận thức đúng chức năng của mình là đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ và không ngừng sáng tạo, đổi mới sâu sắc, toàn diện, đồng thời phải nhiệt tình, tâm huyết, bản lĩnh với NLĐ” - đồng chí Nguyễn Đình Thắng bày tỏ quan điểm.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng, “làm CBCĐ phải thở hơi thở của NLĐ” và cần chú trọng khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ.
Đóng góp về đổi mới phương thức hoạt động, đồng chí Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, cần chuyển đổi phương thức từ chỉ đạo hành chính sang chỉ đạo hỗ trợ, tư vấn. Đồng chí Hoàng Minh Chúc - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cũng cho rằng, cần củng cố CĐCS, CĐ cấp huyện để phục vụ đoàn viên, NLĐ được tốt hơn…
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đánh giá: Các ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo của tổ chức CĐ và các CBCĐ tại hội thảo đều rất tâm huyết và thẳng thắn, đề cập đến nhiều khía cạnh góp ý cho đề án. Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp thu để hoàn thiện đề án trong thời gian tới.