Site banner

Công đoàn tham gia khởi kiện các vụ án lao động

“Trước đây, khi nói tổ chức công đoàn (CĐ) kiện đòi doanh nghiệp (DN) đóng kinh phí CĐ thì không thực hiện được vì cho rằng không có quy định, chưa có luật, nghị định thì bây giờ đã có đầy đủ. Có đầy đủ thì ta phải làm nhanh, mạnh. Bóng đã đến chân rồi, phải sút thôi” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính phát biểu tại hội nghị tập huấn hướng dẫn CĐ khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể ngày 18.8 tại TPHCM.

Cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn (TPHCM) hướng dẫn NLĐ Cty Keo Hwa Vina làm thủ tục ủy quyền để cán bộ CĐ huyện kiện đòi nợ BHXH, tiền lương cho NLĐ.

Thí điểm kiện đòi nợ BHXH, nợ kinh phí CĐ

Ông Mai Đức Chính cho biết, Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, khi luật này có hiệu lực thì cơ quan BHXH không có quyền khởi kiện nữa, thanh tra lại chưa được xử phạt. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định vai trò của tổ chức CĐ khởi kiện lại có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. “Chúng ta có khoảng 6 tháng “trống luật”! Theo số liệu thống kê của BHXH vừa công bố mới đây, chỉ trong 6 tháng, số nợ BHXH đã lên gần 14.000 tỉ đồng” - ông Chính nói. Bên cạnh đó, vấn đề cần được tổ chức CĐ chú ý chính là tình trạng DN nợ kinh phí CĐ, tỉ lệ thất thu cao.

“Hai vấn đề cấp bách hiện nay mà tổ chức CĐ cần thực hiện là khởi kiện DN đòi nợ BHXH và nợ kinh phí CĐ để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ” - ông Chính nói. Từ ngày 1.7, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực đã hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho tổ chức CĐ khởi kiện. Sắp tới Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Long An, TPHCM khởi kiện thí điểm. Sau đó sẽ tiến tới khởi kiện DN nếu vi phạm các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, hoặc các vụ việc mà NLĐ ủy quyền…

Với thực trạng, tỉ lệ thu hồi nợ BHXH khi cơ quan này kiện DN là 25%, 75% còn lại DN mất khả năng chi trả, trây ỳ, không còn tài sản nào… Ông Chính cho rằng, CĐ cần rút kinh nghiệm bởi CĐ hiện nay không có đủ người, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, tài chính khó khăn, cho nên tổ chức CĐ không thể kiện hết tất cả DN mà phải chọn lựa, đánh trọng tâm, làm sao để mỗi vụ kiện đều phải thi hành án được, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Nâng cao chất lượng, bản lĩnh cán bộ CĐ

Để tổ chức CĐ tham gia khởi kiện tốt cần có hành lang pháp lý, hành lang tài chính và đặc biệt cần nâng cao năng lực của cán bộ CĐ. Theo bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - sắp tới Ban Quan hệ lao động và Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN sẽ làm việc để có quy chế tài chính hướng dẫn về phần kinh phí, án phí, kinh phí thuê luật sư, bồi dưỡng cán bộ theo đuổi các vụ kiện...

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, tòa án nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các cấp tòa tiếp nhận các vụ án do CĐ làm đại diện.

Về công tác nâng cao năng lực cán bộ CĐ, ông Mai Đức Chính yêu cầu các tỉnh, thành cần chú trọng phát triển các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho cán bộ CĐ - đây sẽ là nơi tham mưu cho thường vụ LĐLĐ tỉnh, TP về trình tự, hồ sơ, thủ tục khởi kiện. Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TPHCM) - cho biết, cần phân cấp các vụ án lao động theo mức độ, quy mô, số lượng NLĐ để theo đó, LĐLĐ cấp tỉnh, TP hay quận, huyện sẽ phụ trách. Ông Triều đơn cử, hiện nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM chỉ có 4 người, như vậy là quá ít so với nhu cầu thực tế hiện nay. Để mở rộng, trung tâm đang tập huấn kỹ năng tố tụng cho 28 tổ tư vấn ở quận, huyện và KCN-KCX TP.

“Mục tiêu của tổ chức CĐ chính là vì lợi ích của đoàn viên, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ. CĐ tham gia khởi kiện chính là bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ. Phải xác định đây là công việc thường xuyên của tổ chức CĐ” - ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.

bodrum escort cesme escort didim escort eryaman escort antalya escort mersin escort manavgat escort sohbet hatti