Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú - công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre trình bày ý kiến tại buổi họp mặt.
CNLĐ đã nêu những vấn đề liên quan đến mối quan hệ bên trong và bên ngoài khu công nghiệp (KCN) An Hiệp và Giao Long. Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã phân tích ý kiến, kiến nghị của CNLĐ thành từng nhóm vấn đề và yêu cầu từng sở, ngành tỉnh, Ban Quản lý các KCN, UBND huyện Châu Thành giải trình, có trách nhiệm không nói chung chung hay nói rồi không thực hiện gây mất lòng tin đối với CNLĐ.
Ông Đoàn Viết Hồng - Trưởng Ban Quản lý các KCN cho rằng, ban sẽ chỉ đạo kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng trong KCN An Hiệp nếu đúng như CNLĐ phản ánh thì lắp đặt thêm cho phù hợp. Kiến nghị lắp đặt biển báo giảm tốc độ phương tiện lưu thông khi vào KCN là hoàn toàn hợp lý. Một số kiến nghị mà CNLĐ nêu thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, ban sẽ đôn đốc thực hiện.
Đối với kiến nghị liên quan đến KCN Giao Long, ông Hồng cho biết, khi đường tỉnh 883 đầu tư nâng cấp, cổng chính vào KCN thấp hơn. Ban liên tục dặm vá nên có nhiều ổ gà, phương tiện lưu thông khó khăn. Qua mùa mưa này, ban sẽ điều chỉnh lại đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Liên quan đến kẹt xe ở ngoài KCN thuộc thẩm quyền của địa phương. Nhà ở cho CNLĐ có nhưng không đáng kể so với số lượng CNLĐ. Tại KCN còn 1 lô đất hơn 2 héc-ta đã có doanh nghiệp xin đầu tư nhưng chưa giải quyết được nhu cầu. Ban có ý tưởng xin chủ trương giải tỏa thêm phần đất phía sau KCN.
Ông Trần Văn Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho rằng, cần mở rộng con đường Lộ Ngang kết hợp xử lý nghiêm tình trạng người dân mua bán lấn chiếm lề đường và mở thêm cổng ở KCN mới giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe. Về việc nước ngập trong KCN, huyện sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nạo vét, khai thông các kênh, rạch xung quanh KCN để giải quyết nước tồn đọng; làm việc với Bệnh viện huyện Châu Thành liên quan đến việc tham gia điều trị bệnh cho CNLĐ.
Ông Nguyễn Thành Thưởng - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, CNLĐ chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật là do luật quy định. Trường hợp người lao động muốn nghỉ thêm ngày thứ Bảy, tức mỗi tuần được nghỉ 2 ngày thì cần có ý kiến của tập thể và đưa vào nội dung đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp với người sử dụng lao động. Khi hai bên thống nhất thì đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Việc CNLĐ làm việc cho công ty vệ sĩ nhận lương thấp hơn mức tối thiểu vùng là sai, sở ghi nhận và sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiến nghị người sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật hiện hành. Một số kiến nghị khác, sở ghi nhận và kiến nghị đến cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các vấn đề mà CNLĐ nêu đã xảy ra trong cuộc sống và cũng là những yêu cầu thiết yếu rất cần sự chia sẻ, tháo gỡ. Ông Phước đề nghị, bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các KCN giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hướng đến bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Sở Y tế tổ chức một số cuộc giám sát gắn với kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để đánh giá chất lượng dinh dưỡng trong phần ăn của CNLĐ. Xây dựng nhà ở cho CNLĐ là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng trong điều kiện có hạn, Ban Quản lý các KCN, Sở Xây dựng và UBND huyện Châu Thành cần đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng để thêm nhiều CNLĐ có nhà ở. Còn các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt thiết yếu của CNLĐ đang gặp khó khăn do quỹ đất không còn nên phải từng bước giải quyết trong điều kiện cho phép.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, các khó khăn, vướng mắc mà CNLĐ nêu là có thật. Từng sở, ngành hữu quan cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, vấn đề thuộc thẩm quyền, nằm trong khả năng nên thực hiện ngay. Bởi để có được như hai KCN Giao Long và An Hiệp như hiện nay đã có sự đầu tư rất lớn về vốn, công sức, không để bức xúc của CNLĐ kéo dài, không để ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Tin, ảnh: Trần Quốc