Tại buổi đối thoại, CNLĐ tỏ ra quan tâm đến vấn đề tiền lương vùng tại huyện Châu Thành quá thấp, hiện nay tính mức lương tối thiểu vùng 3 trong khi giá cả tại huyện này khá cao khiến đời sống CN khó khăn; bao giờ thì tỉnh có chính sách nhà ở cho CN, nhà ở xã hội, tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bữa ăn của CN, ô nhiễm môi trường, ngập nước tại khu công nghiệp, an ninh trật tự tại các khu nhà trọ CN; khám BHYT vẫn chưa được tốt, nhân viên y tế chưa có thái độ phục vụ tốt, sân chơi cho CNLĐ còn quá ít trong khi lượng CNLĐ ngày càng tăng cao. Các ngành tại Bến Tre đã trả lời hầu hết các câu hỏi của CN nêu ra.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho rằng tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho CN, cố gắng tạo thêm việc làm cho NLĐ, tuy nhiên điều kiện của Bến Tre có hạn nên một số chính sách như nhà ở cho CN vẫn chưa thực hiện được. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cũng đề nghị các sở, ngành có liên quan đã hứa với CN là phải làm; đồng thời LĐLĐ cần thường xuyên tổ chức nhiều cuộc đối thoại bằng nhiều hình thức để kịp thời lắng nghe, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của CN.
Bến Tre là tỉnh có tốc độ phát triển CNLĐ nhanh nhất ĐBSCL, từ chỗ tỉnh gần như thuần nông, trong 3 năm qua nhiều khu CN mọc lên. Đến nay tỉnh này có 1.965 doanh nghiệp, sử dụng hơn 81.000 LĐ, trong đó 19 DNNN sử dụng 3.684 LĐ, 32 Cty có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 23.262 LĐ; 1.914 DN ngoài quốc doanh sử dụng hơn 54.000 LĐ. CNLĐ tại Bến Tre có mức thu nhập trung bình thấp, giao động từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng, đời sống còn nhiều khó khăn, tỉnh chưa có khu nhà ở cho CN, chưa có khu văn hóa LĐ, nhà trẻ cho con CN…