Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1-1964 (Ảnh tư liệu)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn
Hồ Chí Minh đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Công đoàn Việt Nam. Người sớm nhận thức được vai trò của công đoàn: Tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, là trường học tổ chức, giáo dục, đoàn kết công nhân, trường học quản lý công nghiệp xã hội chủ nghĩa, trường học chủ nghĩa cộng sản.
Người đến với tổ chức Công đoàn khá sớm: Năm 1913 - tham gia tổ chức Lao động hải ngoại, tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919 - gia nhập Công đoàn kim khí quận 17 Pari, thuộc lực lượng công đoàn vô chính phủ, có xu hướng khuynh tả.
Từ 1921 trở đi, sự nảy nở những tổ chức Công đoàn đầu tiên của người Việt Nam trên đất Pháp càng đẩy mạnh và Nguyễn Ái Quốc đã có mối quan hệ với lực lượng thợ thuyền. Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã chỉ rõ: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai”.
Vừa hoạt động, Người vừa nghiên cứu các hình thức tổ chức công đoàn ở các nước tư bản chủ nghĩa, ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó, Người rút ra những kinh nghiệm cho việc tổ chức công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Người viết rõ vai trò của tổ chức công đoàn: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là, để nghiên cứu với nhau; ba là, để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là, để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là, để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Người đưa ra hai mẫu tổ chức công hội là các tổ chức công hội theo nghề nghiệp và theo sản nghiệp.
Như vậy, trên bước đường tiếp cận tới chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở về lý luận và thực tiễn để thành lập tổ chức công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân. Từ khi miền bắc được giải phóng, Người thường nói chuyện và có những chỉ dẫn quan trọng đối với tổ chức Công đoàn, các hoạt động công đoàn cho phù với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn
Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nguyên lý tổng quát được Người nêu lên để xác định sứ mệnh và nhiệm vụ của công đoàn Việt Nam là: “Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân”. Do đó, công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia ngày càng rộng rãi vào toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền kinh tế quốc dân, vào các kế hoạch kinh tế, sản xuất, phân phối.
Về sứ mệnh, nhiệm vụ của công đoàn, Người nêu tóm tắt: “Nhiệm vụ của công nhân và công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Nhà nước đề ra”.
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã xác định nhiệm vụ của tổ chức Công hội: “Trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Theo Hồ Chí Minh, công đoàn phải là tổ chức rộng rãi của công nhân, lao động nhưng phải có hệ thống chặt chẽ. Chức năng của công đoàn là tập hợp, giáo dục công nhân, lao động tạo thành lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng đất nước. Công đoàn có vai trò to lớn trong việc vận động công nhân lao động thi đua sản xuất, tiết kiệm làm ra nhiều của cải cho đất nước. Công đoàn có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, lao động. Những quan điểm đó của Người được truyền bá trong phong trào công nhân, thông qua hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đặt nền móng cho việc thành lập một tổ chức Công đoàn cách mạng.
Trong bối cảnh tập trung chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, vừa “kháng chiến, vừa kiến quốc”, nhưng Người rất quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn và đề ra nhiệm vụ và quyền lợi cho tổ chức Công đoàn là: “Công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức vững vàng, có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho chính phủ trong việc xây dựng đất nước”.
Trong thời kỳ 1945 -1975, hoạt động Công đoàn Việt Nam gắn liền với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn. Người chỉ rõ:
“1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân;
2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng;
3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học;
4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Người ta thường nói đoàn kết là sức mạnh vô địch, ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất;
5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân rõ tình hình trong nước và nước ngoài;
6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân, lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu, phải dân chủ bàn bạc anh em công nhân, phải kiểm tra, làm mà không kiểm tra không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sữa chữa”.
Tại Hội nghị cán bộ công đoàn, ngày 14/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu chỉ rõ nhiệm vụ của Công đoàn: “Nhiệm vụ của công nhân và Công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế Công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Chính phủ đề ra”. Trong hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc ngày 13/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của Công đoàn về công tác tham gia quản lý xí nghiệp, về tổ chức tốt các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô, làm tốt công tác bảo hộ lao động, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động, Người chỉ rõ: “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc công tác kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ công đoàn cấp trên thường xuyên đi đến cơ sở để giúp họ một cách thiết thực hơn”.
Từ sứ mệnh, nhiệm vụ chung đó, Người xác định nhiệm vụ cụ thể:
Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng: Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, vì Đảng của mình là Đảng của giai cấp công nhân. “Công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được”. Do đó, mọi đường lối, chính sách của Đảng phải được công nhân quán triệt và thực hiện, thông qua tổ chức công đoàn.
Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản. Thế nào là đạo đức vô sản? Người nêu tóm tắt: “Về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ”.
Công đoàn phải lãnh đạo hướng dẫn công nhân. Đã nói đến lãnh đạo thì phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân. Phải thường xuyên kiểm tra để uốn nắn kịp thời những sai lệch và biểu dương động viên, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt. Đồng thời, cán bộ công đoàn phải “ra sức vận động công nhân, viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt mọi khó khăn để chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Về lề lối làm việc của công đoàn: Người căn dặn các cấp công đoàn cần đổi mới cách thức làm việc sao cho mọi hoạt động của công đoàn đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực. Người huấn thị: “Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra. Cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và tặng quà cho công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Công đoàn phải bảo vệ những lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức thường xuyên quan tâm đến lợi ích vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức. Người căn dặn công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thật sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp, có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống.
Công đoàn tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của chủ nghĩa xã hội trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng, văn hóa. Công đoàn nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo dân chủ, Người khuyên cán bộ công đoàn cùng công nhân đồng cam cộng khổ, hòa mình với công nhân thành một khối và gương mẫu. Cán bộ công đoàn trước hết phấn đấu trở thành người xã hội chủ nghĩa. Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa”.
Cán bộ công đoàn nắm vững đường lối chính sách của Đảng, có lập trường giai cấp vững vàng, thấy hết trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội mà tự rèn luyện, nâng cao ý chí cách mạng tiến công... có thế mới xây dựng một đội ngũ công nhân giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có tinh thần làm chủ tập thể.
Cán bộ công đoàn tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Người nói: Kinh tế ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ công đoàn phải cố gắng học tập vươn lên để không ngừng tiến bộ. Có học tập mới hiểu biết được khoa học, có hiểu biết được khoa học mới tổ chức được phong trào.
Bản chất của công nhân là đoàn kết đấu tranh nên Người căn dặn cán bộ công đoàn lại càng phải đoàn kết. Người nói: “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn... Những phần tử nào biến chất, giáo dục không được thì kiên quyết đưa ra”.
Đối với đội ngũ công nhân trẻ, trước lúc đi xa, Người căn dặn cán bộ công đoàn phải đặc biệt chú ý bồi dưỡng cho họ về mọi mặt để trở thành những người có giác ngộ giai cấp, có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật cao, đứng lên gánh vác những nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc giao phó.
Người nói: “Công nhân trẻ tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin vào họ, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân. Bồi dưỡng văn hóa, khoa học-kỹ thuật và kiến thức quản lý xã hội cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa vừa “hồng” vừa “chuyên”, đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài”.
Đại biểu dự Đại hội lần thứ X Công đoàn tỉnh Bến Tre biếu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội
Các cấp công đoàn tỉnh nhà đã vận dụng tư tưởng của Người
Thực hiện những lời dạy của Người, nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2018 - 2023, xứng đáng là tổ chức nòng cốt trong khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bến Tre.
Từ thực tiễn hoạt động, với yêu cầu tự đổi mới, nâng chất lượng để cạnh tranh, hội nhập. Công đoàn tỉnh Bến Tre xác định đoàn viên, công đoàn cơ sở (CĐCS) là sự sống còn của tổ chức; đoàn viên mạnh, công đoàn cơ sở mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh. Từ đó tập trung đầu tiên cho công tác tập hợp phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở các loại hình, đặc biệt là trong doanh nghiệp. Hàng năm đều tổ chức khảo sát nắm rõ tình hình, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, vận dụng nhiều hình thức để tiếp cận và vận động thành lập CĐCS. Xác định CĐCS là nơi trực tiếp chuyển tải mọi chủ trương, nơi tổ chức mọi hoạt động, nơi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, nên chất lượng hoạt động của CĐCS có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của tổ chức. Vì vậy, sau thành lập đã tập trung hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động, để CĐCS trở thành hạt nhân tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động.
Để tạo được sức mạnh, tập hợp được sự tham gia của đoàn viên, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người lao động (NLĐ), trong chỉ đạo, Liên đoàn lao động tỉnh (LĐLĐ) quán triệt cho các cấp công đoàn phải chọn việc phù hợp, việc có lợi cho đoàn viên và tổ chức thì khó mấy cũng làm. Dân chủ được đặt lên hàng đầu, một số hình thức dân chủ cơ sở được tập trung chỉ đạo như: Hội nghị cán bộ công nhân viên chức đầu năm; hội nghị NLĐ tại các doanh nghiệp; tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất; quan tâm xây dựng và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, hệ thống nội quy, quy chế nội bộ… Một số việc thiết thực quan tâm động viên, hỗ trợ đoàn viên được tập trung triển khai như: xây nhà Mái ấm công đoàn; xây nhà công vụ; tổ chức “Tết sum vầy” với nhiều phần quà cho công nhân nghỉ tết; Tháng Công nhân với nhiều hoạt động: khám sức khỏe, trao thưởng công nhân tiêu biểu, thăm hỏi công nhân khó khăn…
Xác định quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ phải được bảo vệ bằng mọi giá. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã tư vấn cho hàng trăm người về pháp luật, về chế độ chính sách; thành lập tổ trợ giúp pháp lý cho đoàn viên; thành lập các điểm tư vấn pháp luật, lập đường dây nóng để tư vấn pháp luật cho NLĐ. Khi xẩy ra tranh chấp lao động, công đoàn là người có mặt đầu tiên, tập hợp ý kiến NLĐ, từ đó tuyên truyền vận động, đại diện cho NLĐ, tổ chức đàm phán với chủ sử dụng lao động, để vừa đảm bảo quyền lợi NLĐ, vừa phù hợp với điều kiện và quyền lợi của doanh nghiệp, ổn định tình hình, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Để tạo vị thế cho tổ chức công đoàn, tránh sự phụ thuộc vào chuyên môn “ăn theo nói leo” không bản lĩnh, không đại diện bảo vệ được NLĐ, trong thời gian tới LĐLĐ tỉnh đổi mới một số nội dung trọng yếu:
Khai mạc Hội thao chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Bến Tre lần thứ XI
Đối với công tác tuyên truyền giáo dục: Chọn nội dung phù hợp với đối tượng; chọn cách làm phù hợp với điều kiện đoàn viên, NLĐ; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chủ yếu tập trung tại cơ sở để người lao động trực tiếp tham gia, hưởng thụ.
Đối với phong trào thi đua: Tập trung vào phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, ngành nghề. Các phong trào thi đua được chọn sao cho nội dung dễ nhớ, dễ thực hiện, thiết thực với đoàn viên và đơn vị, dễ đánh giá tổng kết.
Đối với công tác cán bộ: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng. Đề cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Đặt yêu cầu cao đối với cán bộ chuyên trách phải am hiểu về pháp luật, có kỹ năng trong hoạt động tuyên truyền vận động, có năng khiếu trong văn nghệ thể thao, am hiểu cơ sở, gần gũi, sâu sát, có tâm với tổ chức và người lao động.
Về nguồn lực tài chính: Trong hoạt động, thực hiện phân cấp toàn diện thu và chi, với trên 70% kinh phí công đoàn và 60% đoàn phí để lại cơ sở, để CĐCS tổ chức hoạt động. Từ nguồn tái chính này, mặc dù còn khó khăn nhưng thực sự tạo được sự chủ động căn bản cho CĐCS để tổ chức các hoạt động, tránh sự phụ thuộc hoàn toàn vào chủ sử dụng lao động, để không làm mất đi ý chí đấu tranh cho quyền lợi NLĐ.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là việc thực thi các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trước áp lực cạnh tranh khi sẽ ra đời các tổ chức đại diện NLĐ khác, đòi hỏi tổ chức Công đoàn tỉnh Bến Tre phải tự đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả trong công việc; gần gũi, gắn bó, hiểu NLĐ; chăm lo được cho đoàn viên; đại diện bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Khi có được niềm tin của đoàn viên và NLĐ, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn chắc chắn sẽ hoàn thành.
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về công đoàn đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và là những tài sản vô giá cả về lý luận và thực tiễn cho Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn tỉnh nhà nói riêng trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng với vị trí, vai trò của tổ chức trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều đó càng có ý nghĩa hơn trước thềm khai mạc Đại hội Công đoàn tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.
Trần Văn Phương, UVBTV Công đoàn Viên chức