Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phan Song Toàn phát biểu kết luận buổi tọa đàm. Ảnh: T. Quốc
Hiện toàn tỉnh có 1.182 công đoàn cơ sở (CĐCS), hơn 55 ngàn CNLĐ. Riêng các khu công nghiệp đang hoạt động có trên 34 ngàn CNLĐ. Đa phần CNLĐ trẻ, độ tuổi tập trung nhiều nhất dưới 35 tuổi. Hàng năm, CNLĐ các ngành nghề, khu vực đóng góp lớn cho tổng sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khó khăn, thách thức
Đề dẫn buổi tọa đàm, bà Nguyễn Ngọc Nữ - Phó trưởng ban Nữ công, LĐLĐ tỉnh cho rằng, CNLĐ là một đội ngũ lớn trong các lực lượng cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, CNLĐ còn bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn, là thách thức cho sự phát triển chung. Cụ thể, việc học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong CNLĐ chưa đều, đôi khi nhận thức và hành động thiếu chuẩn mực. Một bộ phận CNLĐ tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, thiếu nhiệt tình trong lao động, học tập, sáng tạo, ít có ý chí cầu tiến. CNLĐ còn chậm trong xây dựng gia đình văn hóa, chưa nhận thức tốt về bình đẳng giới. Cá biệt còn tình trạng liên quan đến tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Có lúc, có nơi CNLĐ ứng xử xã hội còn tùy tiện, chậm đổi mới, bỏ qua những chuẩn mực đạo đức, văn minh của cộng đồng.
Một số chủ doanh nghiệp (DN) chưa tạo điều kiện cho CNLĐ học tập, phát triển về chính trị, văn hóa, xã hội. Việc hình thành tổ chức Đảng, đoàn thể trong một số loại hình DN còn khó khăn. Hiện có rất ít CNLĐ tuổi đời cao gắn bó với DN (do tính toán trong một số DN). Đa số CNLĐ nghỉ việc sớm và hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần. Ở nhiều khu dân cư có nhiều cán bộ, viên chức nghỉ hưu nhưng rất ít hoặc không có CNLĐ nghỉ hưu. Trong quan hệ lao động, chủ DN và CNLĐ gần như bị cuốn hút vào lợi ích vật chất là chính. DN muốn hoàn thành kế hoạch sản phẩm. CNLĐ tập trung cho sản phẩm để hưởng lương. Mọi việc khác trở thành thứ yếu hoặc không thực hiện. Sau ngày làm việc, tăng ca khẩn trương, CNLĐ mệt mỏi, không còn đủ năng lượng để tập trung cao cho việc học tập, nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình mà chủ yếu nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động.
Đại biểu tham gia buổi tọa đàm đã nêu một số biểu hiện và xu hướng tiêu cực trong lối sống của một bộ phận CNLĐ, như: sống buông thả, thực dụng; ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân; chạy theo đồng tiền; có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; thái độ bi quan; ứng xử giao tiếp kém; tác phong công nghiệp chưa cao. Chính tác phong công nghiệp không cao dễ dẫn đến nhiều CNLĐ vi phạm kỷ luật lao động, như: không sử dụng bảo hộ lao động, chấp hành chưa nghiêm nội quy lao động, nhất là tình trạng trộm cắp tài sản của công ty. Một số CNLĐ có lối sống thực dụng, thỏa mãn nhu cầu trước mắt. Lối sống tiêu cực đã tác động đến thái độ và hành vi ứng xử của CNLĐ. Như vậy, CNLĐ đã có biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, gây ảnh hưởng đến DN và hình ảnh đẹp của người công nhân Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu
Theo Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Phan Trần Mai Trinh, nguyên nhân dẫn đến lối sống tiêu cực của CNLĐ là do một số DN thiếu quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ, người lao động; tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thuần túy chưa đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ tại các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm xã hội của các DN chưa được quy định rõ ràng; hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng đời sống CNLĐ thực hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, mới chỉ mang tính định hướng...
Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Ba Tri Nguyễn Văn Thành quan tâm đến việc học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của nơi làm việc trong CNLĐ chưa nghiêm túc. CNLĐ còn để xảy ra tình trạng đến trễ, về sớm. Việc ứng xử và giao tiếp thiếu chuẩn mực; mối quan hệ lao động giữa người lao động với người lao động và giữa người lao động với người sử dụng lao động chưa hài hòa. Thiếu nhiệt tình trong lao động, học tập, sáng tạo và ít có chí cầu tiến. Còn chậm trong xây dựng gia đình văn hóa, còn xảy ra tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.
Các giải pháp thực hiện
Chủ tịch LĐLĐ huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Phong cho rằng, quỹ thời gian tuyên truyền trong DN là rất ít. Cần có quy định rõ ràng thời gian dành cho công tác tuyên truyền tại DN hàng năm để dễ triển khai thực hiện. Xây dựng chuẩn mực đạo đức của CNLĐ không thể làm trong một sớm một chiều mà cả một quá trình. Trước hết, cần có chính sách lôi kéo CNLĐ làm việc tại quê hương theo hướng “ly nông bất ly hương”. Cần biểu dương điển hình trong xây dựng chuẩn mực đạo đức CNLĐ, củng cố tổ chức, thực hiện hiệu quả sứ mệnh bảo vệ lợi ích chính đáng của CNLĐ...
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn nhấn mạnh: Chuẩn mực đạo đức của CNLĐ Bến Tre nằm trong chuẩn mực chung của CNLĐ cả nước và gắn với văn hóa vùng miền của đồng bằng sông Cửu Long. Những chuẩn mực đạo đức đang có được đúc kết qua bao thế hệ con người Việt Nam, không nhất thiết phải tìm ra chuẩn mực riêng của CNLĐ Bến Tre, mà quan trọng là làm sao phải giữ vững, thực hiện có hiệu quả những chuẩn mực chung đó. Cần tuyên truyền những chuẩn mực chung gắn với giá trị con người Bến Tre được thể hiện trong Chỉ thị số 11 CT/TU của Tỉnh ủy. Việc tuyên truyền trong CNLĐ theo cách truyền thống sẽ gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình lao động sản xuất. Nên có hệ thống loa nội bộ trong khu công nghiệp hoặc nhà ăn tập thể. Qua đó, thông tin những nội dung ngắn gọn, súc tích cho CNLĐ. Cần giải phóng CNLĐ ra khỏi 4 bức tường (nơi làm việc, nhà trọ) - nơi dễ gây sự bi quan, biệt lập trong tâm trạng CNLĐ, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa cho CNLĐ.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, để xây dựng chuẩn mực đạo đức trong thời kỳ mới đòi hỏi đầu tiên ở CNLĐ là phải có trình độ, kỹ thuật, ý thức tổ chức kỷ luật tại nơi làm việc. CNLĐ phải có khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, hình thành lối sống đẹp, xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng đến văn minh văn hóa. Vấn đề quan trọng nữa là từng CNLĐ phải không ngừng phấn đấu vươn lên, lao động với năng suất, hiệu quả và chất lượng cao. DN và người lao động phải chấp hành nghiêm pháp luật; không được né tránh trong chăm lo cho CNLĐ, tạo sự tôn trọng, yêu thương, hăng say trong lao động.
Đại diện chủ trì buổi tọa đàm, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Song Toàn ghi nhận ý kiến phát biểu của đại biểu. Đồng thời cho rằng, vấn đề Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh hướng đến là tiếp tục phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam; khơi gợi tinh thần “Đồng khởi mới” trong từng CNLĐ thông qua việc quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khát vọng tham gia đóng góp cho quê hương; chủ động học tập, lao động, sáng tạo, gắn bó với nơi công tác, sản xuất; xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, kiên quyết phòng chống mọi sự xâm nhập của văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội. |